Dịch vụ

Phục hồi chức năng

 Khái niệm:

Phục hồi chức năng là một chuyên ngành y học, nghiên cứu và áp dụng mọi biện pháp như y học, kỹ thuật phục hồi, giáo dục học, xã hội học… nhằm làm cho người tàn tật có thể thực hiện được tối đa những chức năng đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên, giúp cho người tàn tật có thể sống độc lập tối đa, hòa nhập hoặc tái hòa nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng và tham gia vào các hoạt động xã hội.

1. Mục tiêu của phục hồi chức năng

- Ngăn ngừa bệnh tật thứ phát.

- Làm cho người tàn tật thực hiện được tối đa các chức năng sinh lý, tinh thần và nghề nghiệp đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên.

- Tạo cho người tàn tật có cuộc sống tự lập tối đa.

- Giúp người tàn tật hòa nhập được với gia đình, xã hội và có hoạt động nghề nghiệp có thu nhập.

2. Nội dung tiến hành phục hồi chức năng

- Sử dụng các biện pháp y học như điều trị, phẫu thuật, chăm sóc sức khỏe phục vụ trực tiếp cho phục hồi chức năng. Ví dụ: cứng khớp gối khớp sau gãy xương phải phẫu thuật tái tạo khớp gối, vá dị tật hở hàm ếch và sứt môi là biện pháp y học.

- Sử dụng các kỹ thuật để làm phục hồi tối đa các chức năng bị giảm hoặc mất, bao gồm:

+ Khám và lượng giá chức năng để đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và mức độ giảm chức năng hoặc tàn tật của bệnh nhân, từ đó lập kế hoạch cho công tác phục hồi.

+ Sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu bao gồm cả vận động trị liệu và hoạt động trị liệu trong chương trình phục hồi chức năng.

+ Tiến hành các hoạt động trị liệu, tái giáo dục nghề nghiệp.

+ Ngôn ngữ trị liệu được áp dụng với các bệnh nhân gặp khó khăn về nói.

+ Các biện pháp giáo dục đặc biệt: dạy cách dùng ký hiệu để giao tiếp đối với người bị câm điếc, dạy chữ nổi cho người khiếm thị...

+ Sử dụng các dụng cụ trợ giúp như máy trợ thính, chân tay giả, nẹp, nạng, xe lăn...

- Làm thay đổi tích cực suy nghĩ, quan niệm của bản thân người tàn tật và của xã hội, tạo sự bình đẳng trong xã hội đối với người tàn tật.

- Cải thiện điều kiện sống: cải tạo nhà ở, trường học, phương tiện giao thông, công sở để người tàn tật có thể hòa nhập, có cơ hội vui chơi, học hành, tham gia vào các hoạt động xã hội.

3. Các hình thức phục hồi chức năng

a. Phục hồi chức năng tại các trung tâm phục hồi chức năng hoặc các khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện

Là hình thức người tàn tật đến các trung tâm hoặc các khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện để được tiến hành phục hồi chức năng.

- Ưu điểm:

+ Tập trung nhiều phương tiện và cán bộ chuyên khoa nên có thể đạt được kết quả cao nhất, nhất là các trường hợp khó phục hồi.

+ Có thể làm công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ.

- Nhược điểm:

+ Người tàn tật phải đi đến trung tâm. Điều này là một khó khăn đối với bản thân người tàn tật và gia đình họ, vì phần lớn gia đình người tàn tật là những gia đình khó khăn cả về nhân lực và kinh tế.

+ Số lượng người được phục hồi chức năng ít, vì số trung tâm và khả năng tiếp nhận của các trung tâm có giới hạn, trong khi số người tàn tật nhiều. Những khó khăn về kinh tế và nhân lực của người tàn tật và gia đình họ cũng làm hạn chế số người tàn tật đến các trung tâm để được phục hồi chức năng.

- Phục hồi không sát với nhu cầu người tàn tật tại địa phương họ. Mỗi địa phương nơi người tàn tật sinh sống có những đặc điểm riêng về địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế. Vì vậy, phục hồi chức năng tại các trung tâm hoặc bệnh viện khó đáp ứng được hết mọi điều kiện để họ thích nghi được với điều kiện tại địa phương nơi họ sinh sống.

- Giá thành cao. Người tàn tật và gia đình họ phải chi phí tốn kém, đồng thời chi phí xây dựng và hoạt động của các trung tâm cũng cao, vì vậy không thể đáp ứng được với một số lượng đông người tàn tật.

b. Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện

Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện là hình thức thành lập các tổ công tác phục hồi chức năng, bao gồm các cán bộ làm công tác phục hồi đem phương tiện đến nơi có người tàn tật để tiến hành phục hồi chức năng.

- Ưu điểm:

+ Số lượng người tàn tật được phục hồi chức năng có thể tăng.

+ Phục hồi sát với nhu cầu của người tàn tật tại gia đình và địa phương.

- Nhược điểm:

+ Thiếu cán bộ phục hồi chức năng.

+ Chi phí lớn cho công tác phục hồi chức năng.

c.. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là hình thức mà người tàn tật được  phục hồi chức năng tại gia đình, địa phương, nơi họ sinh sống với sự giúp đỡ của người thân hoặc người tình nguyện trong cộng đồng và nhân viên y tế cơ sở, dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng.

- Ưu điểm:

+ Là cách xã hội hóa công tác phục hồi tốt nhất trong phạm vi quốc gia, quốc tế: Phục hồi chức năng tại cộng đồng có thể thu hút được những người thân trong gia đình, những người tình nguyện trong cộng đồng, các đoàn thể xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận Tổ quốc, thu hút được sự tham gia của hệ thống chính quyền cơ sở tham gia vào công tác phục hồi chức năng cho người tàn tật tại địa phương. Đây là hình thức tốt nhất để làm thay đổi quan niệm của cộng đồng đối với người tàn tật, tạo thuận lợi nhất cho những người tàn tật hòa nhập với gia đình và xã hội.

+ Tỉ lệ người tàn tật được phục hồi cao nhất: Phục hồi chức năng tại cộng đồng có thể triển khai rộng rãi trên cả nước, nhờ đó số người tàn tật có cơ hội được phục hồi chức năng nhiều nhất.

+ Đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người tàn tật phù hợp với nơi sinh sống, có cơ hội hội nhập với xã hội cao. Người tàn tật vẫn sống tại gia đình và địa phương, vì vậy các chương trình phục hồi chức năng được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế tại địa phương, giúp người tàn tật dễ dàng hòa nhập.

+ Chi phí cho phục hồi chức năng ít tốn kém, dễ chấp nhận. Phục hồi chức năng tại cộng đồng tận dụng được các phương tiện tại chỗ như chế tạo các dụng cụ trợ giúp hoặc phương tiện tập luyện bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ làm giảm chi phí phục vụ cho công tác phục hồi chức năng, tận dụng được nhân lực tại địa phương giúp khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực.

+ Có thể gắn chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng vào công tác của hệ thống tổ chức y tế hiện có. Trong mỗi nước đều có hệ thống y tế từ trung ương tới cơ sở, công tác phục hồi chức năng tại cộng đồng được gắn với hệ thống này. Vì vậy, giải quyết được nhân lực, ngân quỹ và công tác quản lý.

- Nhược điểm:

Kết quả phục hồi cho trường hợp khó phục hồi thường thấp, các trường hợp này có thể được chuyển về các trung tâm phục hồi chức năng có đủ phương tiện và cán bộ chuyên ngành.

 

 

 

Góc tri ân

  • Cách làm mát gan giải độc nhanh chóng sau dịp Tết

    Tết là giai đoạn chúng ta được nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả, nhưng đối với lá gan đây lại là thời gian phải hoạt động hết công suất. Vì thường vào dịp tết cơ thể chúng ta phải tiếp nhận một lượng lớn thức ăn nhiều đạm và chất béo, uống nhiều thức uống có gas và cồn… Vậy đâu là cách làm mát gan giải độc hiệu quả và nhanh chóng sau dịp tết để giúp lá gan của bạn khỏe mạnh trở lại?

    Đọc tiếp

  • Những câu hỏi thường gặp về mua bán thuốc tại Đông Y Gia Bảo

    Đọc tiếp

  • SƠ LƯỢC VỀ BÁT PHÁP TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO ĐÔNG Y

    Đọc tiếp

  • Chữa bệnh dạ dày hiệu quả tại nhà thuốc Đông Y Gia Bảo

    Đọc tiếp

Đông y Gia Bảo Media's

JW Player goes here

Đối tác

Thống kê truy cập

  • Đang online: 2
  • Thống kê tuần: 138
  • Thống kê tháng: 731
  • Tổng: 69830